Lượt xem: 578

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”

Ngày 26/3/1964, Báo “Nhân dân” đăng bài báo về “Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng”, tác giả ký tên là “CHIẾN SĨ”, nhưng bài đó là bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viết bài báo vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn, Người vừa nêu một tấm gương sáng của thanh niên trong cuộc đấu tranh chống thực dân giành độc lập nhưng cũng để kể lại những chi tiết như một nhân chứng lịch sử nhằm đính chính một số điều mà sách báo viết không chính xác về nhân vật lịch sử này.

    Bài báo cho biết, chính Nguyễn Ái Quốc khi đó (mang bí danh Lý Thuỵ) là người đã tham gia đào tạo Lý Tự Trọng và một thế hệ những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi mà kiên cường này: “Năm 1925, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” thành lập ở Quảng Châu. Mục đích của Hội là chuẩn bị điều kiện tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.

    Hội đã quyết định bồi dưỡng một nhóm trẻ em làm hạt nhân cho phong trào nhi đồng cách mạng sau này. Lúc đó không thể đưa trẻ em trong nước ra. Hội bèn chọn lấy 10 em gái và trai, con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu, trong số đó có em Trọng 11 tuổi.

    Em tên thật là Lê Văn Trọng. Để giới thiệu các em vào trường tiểu học (thuộc Trường đại học Tôn Trung Sơn), đồng chí Lý Thuỵ nhận các em là họ hàng thân tích. Vì vậy em Trọng cũng như các em khác đều đổi thành họ Lý. Để nuôi các em ăn học, một phần do các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ. Các em không phải đi bán báo để lấy tiền nuôi mình, như có người đã nói sai.
Em Trọng thông minh, vui tính, siêng năng, siêng làm; vóc người thấp nhỏ nhưng cứng cáp. Cho nên anh em quen gọi là “Trọng con””[1].

    Sau khi thuật lại việc Lý Tự Trọng đã bị thực dân bắt và kiên cường trước mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù, bài báo nhắc nhở lại câu chuyện nhà báo Ăngđrê Viôn lít thuật lại:

    “Khi dẫn bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi với với bà rằng: Y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng. Y không khỏi xấu hổ cho người Pháp tự xưng là văn minh mà đã tra tấn dã man một thanh niên như Trọng. Làm một người cha, y không nén nổi lòng thương xót một người bằng lứa con mình như Trọng...

    Sau gần 10 tháng vô cùng đau khổ, ngày 21 tháng 11 năm 1931, Lý Tự Trọng, người thanh niên anh hùng 17 tuổi, bị lũ thực dân Pháp đưa lên máy chém! Để tỏ lòng thương tiếc đồng chí Trọng, luôn mấy hôm, anh em trong ngục đã tuyệt thực và hô vang khẩu hiệu chống thực dân Pháp.

    Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dắt dìu, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên””[2].

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thanh niên góp phần cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, rồi những tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn” kiên cường đập tan hệ thống phòng ngự địch. Xuất hiệu nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu. Ảnh soctrang online

    Rồi đến những thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đến những thế hệ thanh niên vừa vững tay súng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, xung kích đi đầu trên mặt trận khai hoang phục hóa thủy lợi nội đồng, công trình công nghiệp hiện đại phục vụ quốc kế dân sinh… góp phần cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

    Trải qua 89 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, tổ chức Đoàn đã khẳng định bản lĩnh cách mạng, trung thành với Đảng, với dân tộc, luôn là lực lượng xung kích cách mạng, là tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam, đội hậu bị tin cậy của Đảng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam.

    Tháng Thanh niên năm nay, tuy có khác hơn mọi năm khi cả nước đang chung sức, đồng lòng cùng đối diện với dịch bệnh, cùng nhau đoàn kết, sẻ chia, thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi Covid-19.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Chia sẻ yêu thương và Công tác xã hội sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng phòng ngừa bệnh dịch nCoV. Ảnh soctrang online 

    Tháng Thanh niên vì thế cũng có những điều chỉnh cụ thể, đó là không ra quân rầm rộ mà bắt tay vào những việc làm thiết thực. Mỗi đoàn viên tự nâng cao ý thức, cùng tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp phòng dịch, nhắc nhở, hỗ trợ người dân, tham gia cùng với chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, những chai dung dịch sát khuẩn, những khẩu trang tặng miễn phí đến người có nhu cầu; đội hình thanh niên tình nguyện, xung kích hỗ trợ người dân, khu dân cư tạm cách ly được hình thành; giúp học sinh ôn bài tại nhà; hỗ trợ tiêu thụ nông sản; tham gia hiến máu tình nguyện; hình ảnh những doanh nhân trẻ ủng hộ kinh phí để sản xuất hàng chục ngàn bộ kít xét nghiệm; ủng hộ vật dụng chứa nước, máy lọc nước cho đồng bào vùng hạn nặng; hình ảnh những y bác sĩ trẻ sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong điều trị cho bệnh nhân mắc nCoV;… đó là những hình ảnh đẹp, tràn đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và sáng tạo của đoàn viên, thanh niên cả nước.

    Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, hoạt động của Tháng Thanh niên năm 2020 sẽ tạo ra khí thế thi đua sôi nổi và để mang lại những dấu ấn, xúc cảm đầy tươi trẻ./.
Quốc Hùng

Tài liệu tham khảo:
[1], [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, t14, tr.268, tr.270;
[3] Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2020) và Tháng Thanh niên năm 2020 theo Công văn số 4389-CV/TWĐTN-BTG, ngày 09/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 1553
  • Trong tuần: 68,873
  • Tất cả: 11,853,062